< Trở lại

Thu điện từ máy tập thể dục ở công viên

Thu điện từ các máy tập thể dục ở công viên để phục vụ cho hệ thống điện chiếu sáng công cộng tại chỗ và các thiết bị cá nhân như: điện thoại, laptop, máy chụp hình… là ý tưởng khá mới mẻ.

Ý tưởng này vừa được Nguyễn Thị Hạnh Hoa, sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, giới thiệu tại cuộc thi sáng tạo với chủ đề “Tiết kiệm năng lượng cho cuộc sống xanh” do Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ TP.HCM phối hợp với Sở Công thương TP tổ chức.

Theo Hoa, việc làm này cũng khá đơn giản, nói chung bạn cứ hình dung việc thu điện từ thiết bị tập tựa như ở nhà máy thủy điện vậy, nhưng ở đây thì quy mô nhỏ hơn. Tức từ các thiết bị tập, chúng ta sẽ kết nối thêm một turbin thông qua một sợi dây curoa. Các turbin sẽ kết nối với một bộ phát điện và tích trữ điện. Khi mọi người khởi động, các thiết bị tập thể dục sẽ làm turbin quay để tạo ra dòng điện. Điện tạo ra từ các turbin quay được đưa qua trạm biến thế và kết nối vào mạng lưới phân phối và tích trữ.

Điện thu được có thể dùng cho việc thắp sáng hệ thống đèn công viên. Ngoài ra, chúng ta có thể thiết kế một số trạm điện công cộng để người dân dạo chơi công viên có thể sạc pin cho các thiết bị cá nhân của mình như: laptop, điện thoại, máy ảnh.

Mô hình hệ thống thu điện từ máy tập thể dục ở công viên - Ảnh đồ họa: Nhân vật cung cấp

Theo tính toán của Hoa, một hệ thống thiết bị tập đầy đủ đặt tại công viên nếu được kết nối với hệ thống tích trữ điện có thể thu được lượng điện đủ sử dụng cho 88 laptop dùng liên tục 7 giờ đồng hồ một ngày, thắp sáng 150 bóng đèn (20W) liên tục trong 4 giờ một ngày. Trong khi đó, hiện nay ở hầu hết các công viên đều được nhà nước hoặc các tổ chức lắp đặt rất nhiều thiết bị tập thể dục và nếu tận dụng, chúng ta có thể thu được nguồn điện rất lớn từ việc biến động năng thành điện năng.

Cũng với nguyên lý biến động năng thành điện năng, ý tưởng này cũng được Hoa đề xuất triển khai tại các phòng tập thể hình, thể dục thẩm mỹ.

Đánh giá về ý tưởng này, PGS-TS Vũ Thị Hạnh Thu, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho rằng: “Đây là ý tưởng rất tốt. Nếu kết hợp được với các doanh nghiệp để triển khai đồng loạt, quy mô thì sẽ mang lại hiệu quả khả thi”.

Lê Thanh